Bát canh cua nấu rau đay mồng tơi cùng với cà muối sẽ khiến bữa cơm ngày hè trở nên ngon miệng. Một món ăn đơn giản, dân dã có vị ngọt, mát cùng chút nhơn nhớt của rau đã khiến bao người xa quê phải nhớ, phải thương…
Bát canh mang đậm hương vị đồng quê, màu nâu gạch cua chen giữa màu xanh của rau. Canh cua mồng tơi không chỉ có tác dụng nhuận tràng mà còn giúp thanh nhiệt, giải độc.

Canh cua rất dễ nấu. Muốn canh ngon nên chọn những con cua còn khỏe, càng còn dính, bò nhanh, phản ứng nhanh (giơ càng lên khi đụng vào).
Cua mua về cho vào nước rửa sạch đất, bóc bỏ mai, yếm, lấy gạch cua bỏ riêng. Cho cua vào cối giã (hoặc xay) thật nhuyễn. Khi giã cho thêm ít muối sẽ làm cua ít bị bắn tung tóe, đồng thời khi nấu, thịt cua sẽ đóng váng ngon hơn, đậm đà hơn. Cua giã xong, cho nước lạnh vào khuấy đều, lọc lấy nước cua, bỏ xác. Lọc đến khi thấy không còn lớp thịt nhầy nhầy bám vào vỏ cua là được. Nước cua có màu đen nâu như màu đất. Rau đay, mồng tơi rửa sạch, cắt khúc nhỏ, mướp gọt vỏ thái miếng.
Đặt nồi nước cua lên bếp, đun nhỏ lửa, để thịt kết tủa lại thành miếng. Khi thấy những tảng thịt bắt đầu nổi lên, khuấy nhẹ tay để cua không đọng lại dưới đáy. Khi thịt đã nổi lên hết, cho rau đay, mồng tơi, mướp và ít mắm tôm vào đun sôi lại, nêm nếm gia vị vừa miệng. Gạch cua phi thơm hành mỡ, đảo đều tay rồi đổ vào nồi canh cua.
Thưởng thức bát canh cua rau đay mồng tơi với cơm, cà pháo muối trong những buổi trưa hè oi bức, thật là ngon! Ăn miếng canh, chầm chậm nhai, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt cua, của rau quả, vị mặn đặc trưng của mắm tôm cùng chút nhơn nhớt của rau đay, mồng tơi và mướp khiến miếng cơm trong miệng bạn lúc nào cũng trôi tuột một cách dễ dàng xuống dạ dày. Nếu ăn được ớt, canh cua rau đay sẽ càng ngon hơn. Ngoài ra, theo Đông y, cua đồng có vị mặn, tính hàn, có tác dụng hoạt huyết, chữa tổn thương gân, trẻ em hở thóp, chữa bệnh cảm phong tà phát sốt, giải các thứ độc, hút được độc ra ngoài cơ thể, chữa mụn nhọt, giúp cứng xương, nuôi gân…